Phân biệt cách chăm sóc cho DA DẦU và DA KHÔ | Chiwon Place

Phân biệt cách chăm sóc cho DA DẦU và DA KHÔ

##featured https://66.media.tumblr.com/173c59f8a8feca02a8c47f196ffd634c/tumblr_oe8y3gD5Z41tkych9o2_400.jpg##

Nếu nhìn bằng cảm quan bên ngoài thì da dầuda khô rất dễ phân biệt. Tuy nhiên, về bản chất 2 loại da thì dường như nhiều bạn chưa nắm rõ, vì thế khi nhắc đến các phương pháp chăm sóc da các bạn thường không biệt được da nào thì nên cấp nước, da nào thì nên giữ ẩm. Hôm nay Chiwon sẽ phân biệt DA DẦU - DA KHÔ và cách chăm sóc cho từng loại da nhé.

Trong bài có những khái niệm cần phân biệt sau: dầu, nước, giữ ẩm (khóa ẩm), cấp nước (cấp ẩm).

DA DẦU

1. Da dầu là gì?
Đây là loại da mà lượng NƯỚC bên trong tế bào xuống quá thấp hoặc không có, từ đó da sẽ phải tiết dầu nhiều hơn để làm ẩm da thay thế nước. Do tuyến bã nhờn sản xuất quá nhiều dầu sẽ thu hút và nuôi vi khuẩn khiến lỗ chân lông bị bít, dẫn đến mụn trứng cá.

Tin tốt là da dầu thường lão hóa chậm hơn da khô, nên mặc dù lúc nào cũng bị mang khuôn mặt “chảo dầu” nhưng đến năm 35-40 tuổi có lẽ bạn sẽ biết ơn vì mình không có làn da khô đấy :D.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến làn da dầu:
• Hormone, chu kì kinh nguyệt: đối với chị em phụ nữ thì tháng nào cũng phải trải qua việc hormone sản xuất. Việc hormone thay đổi sẽ kích thích tuyến bã nhờn sản xuất dầu nhiều hơn, điều này cũng lí giải tại sao trước kì kinh nguyệt chị em thường mọc mụn.
• Stress.
• Thời tiết.
• Chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng.
• Sử dụng các loại mỹ phẩm quá dầy và nặng.

 2. Dấu hiệu nhận biết da dầu?

• Sáng bóng hoặc nhờn khắp mặt.
• Nhìn da thường dày và thô.
• Lỗ chân lông to.
• Dễ bị mụn.
• Lớp trang điểm dễ bị trôi và loang lổ.

Một cách để kiểm tra làn da của bạn xem nó có thực sự là dầu không, đó là rửa mặt vào buổi sáng với loại SRM nhẹ dịu, vỗ nhẹ cho khô, không bôi bất kỳ loại kem dưỡng da hay make-up nào, chờ đợi 1 - 2 tiếng đồng hồ. Sau 1-2 giờ đó, nếu khuôn mặt của bạn sáng bóng và bao phủ trong dầu tức là bạn có làn da nhờn. Nếu má bạn khô nhưng trán và mũi của bạn hơi nhờn, tức là bạn có da hỗn hợp.

3. Làm thế nào để chăm sóc da dầu?

• Việc quan trọng và cần thiết nhất là CẤP NƯỚC cho da, bằng cách uống Hyaluronic Acid (đây là cách tốt nhất để cấp nước từ bên trong da), sử dụng xịt khoáng hàng ngày…

• Sử dụng các sản phẩm cấp ẩm bên ngoài dạng gel hoặc serum, không dùng dạng kem. 
Không sử dụng các sản phẩm GIỮ ẨM quá thường xuyên, vì da dầu vốn đã sản xuất đủ (thậm chí thừa) dầu để giữ ẩm rồi, việc sử dụng thêm sản phẩm giữ ẩm đôi khi sẽ gây hiệu ứng ngược.

• Sử dụng các loại chăm sóc da có chứa SULFUR (lưu ý Sulfur khác Sulfate các bạn nhé). Đây là một chất cực kì tốt cho da dầu vì nó kháng khuẩn và kiềm dầu cực tốt mà không gây khô da. Có thể sử dụng toner thảo mộc Clarifying của Earth Science.

• Không sử dụng sữa rửa mặt quá mạnh. Nên chọn những loại có chứa Salicylic Acid 2% trở xuống. Salicylic acid có nguồn gốc từ vỏ cây liễu, giúp hấp thụ dầu và lỗ chân lông sạch sẽ. Nó cũng giúp trung hòa các vi khuẩn  bị mắc kẹt trong lỗ chân lông.

• Tẩy da chết nhẹ nhàng 2-3 lần/tuần để lấy đi hết dầu và tế bào chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng hơn. Có thể sử dụng mặt nạ tẩy tế bào chết GlamGlow Youthmud, hoặc gel làm sạch qua đêm Overnight Clearing Gel của Dermalogica.

• Bắt buộc sử dụng kem chống nắng để tránh da bị mất nước.

• Sử dụng các sản phẩm có ghi “non-comedogenic”, “non-acnegenic” and “oil-free” (không gây bít lỗ chân lông, không gây mụn, không dầu).

• Không được lạm dụng giấy thấm dầu. Vì nước đã mất, dầu phải tiết ra để làm ẩm da mà các bạn cứ lau đi thì da lại càng tiết ra dầu nhiều hơn để làm ẩm.

• Nếu da bạn đang cực kỳ nhờn, cố gắng tránh sữa, tinh bột và đường nhé.

TÓM TẮT: Da dầu là trong da không có, hoặc có ít NƯỚC. Không có nước nên da phải tiết dầu nhiều hơn để dưỡng ẩm như một phản ứng tự nhiên. Cách khắc phục là cấp nước bên trong tế bào da. 

 

DA KHÔ

1. Da khô là gì?
Da của chúng ta là 70% là nước, với khoảng 25% nằm trong lớp thượng bì (lớp trên cùng). Nhưng khi phân tích da, thì đa số chúng ta chỉ thấy 7-8% lượng nước trong lớp thượng bì.

Da khô là loại da KHÔNG sản xuất DẦU bên trong. Dầu không được sản xuất nên hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ. Ở trạng thái bình thường, nước trong tế bào da đã rất dễ bị mất do bài tiết, tác động từ môi trường, sức khỏe…, vì vậy khi hàng rào khóa nước trong da không còn nữa thì nước sẽ càng mất nhanh hơn.
Bình thường nếu nước mất thì dầu sẽ thay thế để làm ẩm da. Đằng này nước đã mất, dầu cũng không sản xuất nên da càng trở nên khô, dễ bong tróc.

Da khô thường sẽ có lỗ chân lông nhỏ vì trong da thiếu dầu, do đó các nang lông không bị giãn nở. Da dựa vào dầu để giữ được độ ẩm bên trong, nếu không có nó da sẽ thô ráp, dễ bong tróc, nếp nhăn được hình thành rõ ràng hơn.
Da khô cũng có thể khiến hàng rào bảo vệ da bị hư hỏng, làm tăng độ nhạy cảm khiến da dễ bị viêm.

Các hormone Estrogen cũng ảnh hưởng đến da khô. Sau khi mãn kinh, hormone này giảm đáng kể trong máu. Việc này có thể ảnh hưởng đến tình trạng khô da và làm giảm sự sản sinh collagen ở lớp hạ bì.

2. Dấu hiệu nhận biết da khô?

• Da thiếu dầu và không thấy sự căng sáng.
• Có cảm giác hơi ngứa ran sau khi rửa mặt.
• Da cảm thấy hơi căng.
• Dễ thấy những dấu hiệu đầu tiên của lão hóa hơn.
• Hay bong tróc da.
• Dễ bị kích ứng.
• Lớp trang điểm không bị trôi trong thời gian dài.

3. Làm thế nào để chăm sóc da khô?

• Việc quan trọng và cần thiết nhất là GIỮ ẨM (KHÓA ẨM) cho da.
Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa chất bảo vệ và làm mềm để tạo nên một lớp màng ngăn việc mất độ ẩm trong da. Nên chọn kem dưỡng ẩm có chứa Ceramides, dầu Jojoba, dầu dừa, dầu hướng dương, Shea Butter, Sáp ong, Glycerin…

• Da khô cũng cần cấp nước (mặc dù vậy quá trình giữ ẩm vẫn quan trọng hơn). Sử dụng xịt khoáng hằng ngày, uống viên Hyaluronic Acid để cấp nước cho da.

• Sử dụng tẩy da chết nhẹ nhàng để loại các lớp da bong tróc trên bề mặt và thúc đẩy tái tạo tế bào da, từ đó sẽ cải thiện việc sản xuất lipid tự nhiên  để tạo nên hàng rào bảo vệ da.

• Rửa mặt với sữa rửa mặt nhẹ dịu cho loại da khô,  tránh sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa tạo bọt. Có thể sử dụng Hyrating Cleanser của Cerave.

• Sử dụng máy tạo độ ẩm trong những tháng mùa đông để giữ cho độ ẩm trong không khí - và trong da của bạn.

• KHÔNG BAO GIỜ  được để da “trần truồng” trong 60 giây sau khi rửa. Rửa mặt xong phải NGAY LẬP TỨC sử dụng Toner (loại oil-free), sau đó sử dụng serum và kem dưỡng ẩm.

• Sử dụng kem giữ ẩm trên lớp serum dưỡng ẩm để cung cấp thêm một lớp bảo vệ cho da.

TÓM TẮT: Da khô không sản xuất dầu. Không có dầu đồng nghĩa với việc hàng rào bảo vệ độ ẩm cho da bị mất. Hàng rào bảo vệ độ ẩm bị mất nên không giữ được nước trong da. Cả nước lẫn dầu đều không có nên da khô. Cách khắc phục là giữ ẩm để tạo 1 lớp màng giúp khóa nước lại trong da.

•••••••••••••••••••••••••

➤ Da dầu thì phải cấp nước, còn da khô thì phải giữ ẩm (và cả cấp nước). Thường thì những sản phẩm cấp nước cho da dầu đều dùng được cho da khô, vì nước làm nên độ ẩm cần thiết mà :). Nhưng những sản phẩm giữ ẩm của da khô lại không nên dùng cho da dầu các bạn ạ. Giờ thì các bạn phân biệt được da nào thì nên cấp ẩm, da nào thì nên giữ ẩm rồi nhé ^^.

➤ Các bạn nên lưu ý bổ sung Hyaluronic Acid (HA) vì đây là thành phần quan trọng nhất đối với cả 2 loại da dầu và da khô. Các bạn có thể đọc thêm bài về HA tại đây: http://www.chiwonplace.com/tat-ca-nhung-ieu-can-biet-ve-hyaluronic-acid-chat-duong

➤ Một điều nữa mà các bạn nên lưu ý: Có một "tình trạng da" gọi là DA MẤT NƯỚC rất dễ khiến các bạn nhầm với da khô hoặc da hỗn hợp vì nó có thể bao gồm những dấu hiệu của cả da khô và da dầu. Da mất nước là tình trạng nhất thời chứ không phải một loại da bền vững như da khô, da dầu các bạn ạ. Vì là tình trạng da nhất thời nên nó cũng được cải thiện rất nhanh. Thường thì ở khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam thì da chúng ta hay lâm vào tình trạng da mất nước hơn là da khô.

29 Sep 2016