Holiday Blues - trầm cảm trước kì nghỉ lễ | Chiwon Place

Holiday Blues - trầm cảm trước kì nghỉ lễ

##featured https://66.media.tumblr.com/178cf265203d63937b8cf28660ab9b56/80f0c4cebbd282e9-d3/s1280x1920/17edc8c42a7cdf93b18357efa05b5f13f2785da7.jpg##

Kì nghỉ lễ thường được xem là khoảng thời gian quây quần và mang tới nhiều niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Nhưng các bạn biết không, đối với nhiều người, “nghỉ lễ” lại là thứ mang tới sự lo lắng, chán ghét, buồn bã, cô đơn, thậm chí trầm cảm tạm thời. Tình trạng này gọi là HOLIDAY BLUES.

Holiday Blues là tình trạng chỉ diễn ra trước và trong kì lễ. Sau khi kì lễ kết thúc, tâm trạng sẽ vui vẻ và lạc quan trở lại.

Mặc dù Holiday Blues không phải là tình trạng tâm thần được công nhận chính thức, nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua vấn đề này vì đây là tình trạng có thật. Holiday Blues khiến chúng ta không thể tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian có ý nghĩa bên cạnh người thân và bạn bè. Hơn nữa, những vấn đề nhẹ và tương đối ngắn cũng có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm và lo lắng kéo dài hơn. 

Thường thì Holiday Blues chỉ xảy ra vào kì nghỉ lễ lớn nhất trong năm. Nhưng nếu bạn gặp tình trạng này trong tất cả các kì lễ, hoặc năm nào cũng bị thì đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên cho biết bạn đang bị trầm cảm lâm sàng. Thế nên, bạn nào bị Holiday Blues thì đừng chủ quan nhé.

Một số dấu hiệu của Holiday Blues bao gồm:

• Cảm thấy sợ hãi, chán nản khi kì nghỉ sắp đến.

• Cảm giác kiệt sức, mệt mỏi, cô đơn trong suốt kì lễ.

• Ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn nhiều so với bình thường.

• Mất hứng thú và thiếu niềm vui với các hoạt động yêu thích. Ví dụ thường ngày bạn thích đi siêu thị mua sắm, nhưng đến ngày lễ việc đi siêu thị lại gây ra sự khó chịu, lo lắng.

• Khó đưa ra quyết định, khó tập trung.

• Có xu hướng tách biệt khỏi bạn bè và gia đình. Không thích các hoạt động liên quan đến ngày lễ, chẳng hạn như các sự kiện xã hội, bữa ăn gia đình và tặng quà.

• Dễ cảm thấy tức giận.

Bất kể tôn giáo, tính cách, nghề nghiệp, độ tuổi, giới tính nào cũng có thể gặp Holiday Blues. Nhất là với đất nước đề cao các nghi lễ như ở Việt Nam, thì Chiwon thấy việc dễ rơi vào tình trạng Holiday Blues là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, hầu hết các công việc chuẩn bị khi Tết đến đều dồn lên vai phái yếu, nên phụ nữ sẽ dễ gặp Holiday Blues hơn. Những người hướng nội, tính cách cầu toàn cũng được cho là dễ gặp Holiday Blues.

Mặc dù vậy, đàn ông và những người có tính cách sôi nổi cũng có thể gặp nhiều áp lực trong kì nghỉ lễ. Vì vậy, nếu thấy bất cứ ai than phiền về những lo lắng này, hãy động viên họ. Đừng nói những câu tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng lại khiến tình trạng của họ tồi tệ hơn như “Mày cứ làm quá lên”, “Tết thì có gì mà phải lo”…

• Quá nhiều công việc phải chuẩn bị, chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, quá nhiều hoạt động phải tham gia dẫn đến kiệt sức.

• Những câu nói như: “Bao giờ lấy chồng?”, “Bao giờ sinh con?”, “Bao giờ đi làm?”…

• Áp lực kinh tế khi phải sắm sửa đồ đạc mới và quà biếu tặng.

• Các ngày lễ thường đánh dấu một năm mới sắp đến nên mọi người sẽ bắt đầu suy nghĩ về năm vừa qua. Mọi người hay nghĩ về những mục tiêu đã đặt ra, những điều muốn hoàn thành và cảm thấy khó chịu, hối tiếc hoặc thất bại nếu không thực hiện được những kỳ vọng đó.

• Căng thẳng kéo dài trong năm cũng dễ dẫn tới Holiday Blues.

• Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD - seasonal affective disorder) cũng có thể liên quan đến Holiday Blues. SAD thường xảy ra trong mùa thu và mùa đông, khi trời lạnh hơn và có ít ánh sáng mặt trời. Bạn nào ở những thành phố có mùa lạnh như Hà Nội, Đà Lạt cũng thấy cảnh vật khi vào mùa đông thường buồn và trầm lắng hơn đúng không? Mà các kì lễ lớn trong năm như Tết Nguyên đán, Giáng Sinh đều diễn ra vào mùa đông. Vì vậy, mặc dù SAD và Holiday Blues là 2 tình trạng khác biệt, nhưng SAD cũng có thể là nguyên nhân khiến tình trạng Holiday Blues trở nên tồi tệ hơn.

• Nói chuyện với bác sĩ tâm lý.
Holiday Blues chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn không có nghĩa là chúng ta không nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ hay chuyên gia tâm lý. Vì như Chiwon nói ở trên, Holiday Blues không phải là tình trạng tâm thần được công nhận chính thức, nhưng nó cũng có thể là mầm mống cho bệnh trầm cảm lâm sàng.

• Tập thể dục thường xuyên.
Đối với những bạn ít tập thể dục có thể sẽ thấy đây là điều vô lý. Nhưng khoa học đã chứng minh, hoạt động thể chất thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm các triệu chứng trầm cảm. Vì vậy, hãy dành ra 20 đến 30 phút mỗi ngày để tập yoga, đi bộ, tập gym, đi xe đạp hoặc thực hiện bất cứ hoạt động thể chất yêu thích nào để giảm căng thẳng các bạn nha.

• Hãy đặt ra giới hạn và biết cách từ chối.
Các bạn có thể giảm cảm xúc tiêu cực trong ngày lễ bằng việc tìm ra giới hạn của mình ở đâu, và học cách nói không với những lời mời và nhờ vả vượt quá khả năng của mình. Đừng ôm đồm quá nhiều việc, người ta gọi khoảng thời gian này là kì NGHỈ lễ đều có lí do cả.

• Hãy dành thời gian cho bản thân.
Ý Chiwon là, hãy dành chút thời gian để làm những việc mà bản thân mình yêu thích như học một bản nhạc, vẽ một bức tranh... Nếu việc yêu thích của bạn là ở nhà và không làm gì cả? Ổn thôi. Nhưng Chiwon khuyên, nếu bạn gặp tình trạng Holiday Blues, tốt nhất không nên ở nhà, đặc biệt là ở trong phòng riêng quá lâu. Hãy hoạt động thể chất và tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều hơn để tránh làm tâm trạng đi xuống các bạn nhé.

• Đừng đặt kỳ vọng quá cao vào tất cả mọi việc.

• Hạn chế sử dụng đồ có cồn.

• Sử dụng một số loại vitamin và khoáng chất giúp cải thiện tâm trạng như Magnesium…

Có rất nhiều cách để cải thiện tình trạng Holiday Blues, nhưng trước tiên bạn phải xác định được nguyên nhân khiến các bạn chán ghét kì nghỉ lễ là gì đã. Rất nhiều người gặp tình trạng này nên các bạn đừng lo lắng quá nha ^^. Hơn nữa, thời gian trôi nhanh lắm. Kì nghỉ lễ thường chỉ kéo dài từ 5-7 ngày, và chớp mắt một cái 5-7 ngày sẽ trôi qua thôi. Hãy lập kế hoạch, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để có một kì lễ thật ý nghĩa nhé ^^.

 

6 Jan 2020